Hoàng thái hậu Quách Quý phi (Đường Hiến Tông)

Năm Nguyên Hòa thứ 15 (820), ngày 14 tháng 2, Đường Hiến Tông bị hoạn quanTrần Hoằng Chí (陳弘志) sát hại.

Tả trung úy Thổ Đột Thừa Thôi (吐突承璀) âm mưu phế truất Thái tử Lý Hằng để lập Lễ vương Lý Uẩn lên ngôi. Các hoạn quan gồm Mã Tiến Đàm (馬進潭), Lưu Thừa Giai (劉承偕) và Vương Thủ Trừng (王守澄) về phe Quách Quý phi và Thái tử Lý Hằng, đánh bại Thừa Thôi và giết Lễ vương. Ngày 20 tháng 2 cùng năm, Thái tử Lý Hằng tức Hoàng đế vị, tức là Đường Mục Tông[12]. Về sau, khi Đường Tuyên Tông đăng cơ thì có lời đồn rằng cái chết của Hiến Tông có sự nhúng tay của Quách Quý phi cùng Mục Tông, nhưng không có bằng chứng xác thực để chứng minh.

Sách tôn Hoàng thái hậu năm đó viết:

嗣皇帝臣名再拜言:伏以正坤元,母天下,符至德以升大號,因晉運而飾鴻徽,煥乎前聞,焯彼古訓,以極尊尊親親之義,明因天事地之經,有自來矣。伏惟大行皇帝貴妃,大虹毓慶,霽月披祥,導靈派於昭回,揖殊仁於氣母,範圍百行,表飭六宮,粵在中闈,流宣陰教,輔佐先聖,勤勞庶工。顧以沖眇,遭罹閔凶,荷成命於守器之時,奉寶圖於鑄鼎之日,哀纏易月,痛钜終天。而四海無虞,萬邦有截,仰惟顧復之德,敢揚聖善之風,謹上尊號曰皇太后。

.

Tự hoàng đế thần danh tái bái ngôn: Phục dĩ chính khôn nguyên, mẫu thiên hạ, phù chí đức dĩ thăng đại hào, nhân tấn vận nhi sức hồng huy, hoán hồ tiền văn, trác bỉ cổ huấn, dĩ cực tôn tôn thân thân chi nghĩa, minh nhân thiên sự địa chi kinh, hữu tự lai hĩ!

Phục duy Đại Hành hoàng đế Quý phi, đại hồng dục khánh, tễ nguyệt phi tường. Đạo linh phái vu chiêu hồi, ấp thù nhân vu khí mẫu. Phạm vi bách hành, biểu sức lục cung. Việt tại trung vi, lưu tuyên âm giáo. Phụ tá tiên thánh, cần lao thứ công. Cố dĩ trùng miễu, tao li mẫn hung, hà thành mệnh vu thủ khí chi thời, phụng bảo đồ vu chú đỉnh chi nhật, ai triền dịch nguyệt, thống cự chung thiên.

Nhi tứ hải vô ngu, vạn bang hữu tiệt, ngưỡng duy cố phục chi đức, cảm dương thánh thiện chi phong, cẩn thượng tôn hào, viết Hoàng thái hậu.

— Tôn văn Quách thị làm Hoàng thái hậu

Không lâu sau khi lên ngôi, Mục Tông tôn Quách quý phi làm Hoàng thái hậu, sống ở Hưng Khánh cung (興慶宮). Tằng tổ của bà là Quách Kính Chi (郭敬之) được truy tặng Thái bảo, tước Kỳ Quốc công (祺國公); phụ thân bà là Quách Ái truy tặng Thái úy, tặng tước Đại Quốc công (代國公); mẫu thân là Thăng Bình Trưởng công chúa được truy tặng Tề Quốc đại trưởng công chúa (齊國大长公主). Các anh em của bà đều được thăng chức và được trọng dụng: Đại tư nông Quách Chiêu (郭釗), anh cả của Thái hậu được phong Hình bộ thượng thư, và Quách Thung (郭鏦) làm Kim Ngô đại tướng quân[13][14].

Ngoài ra, Đường Mục Tông cũng lãng phí rất nhiều tiền của trong quốc khố cho việc phụng dưỡng Hoàng thái hậu, dùng cho việc chi dùng thường ngày hay tổ chức sinh thần, xây dựng cung điện của Hoàng thái hậu. Quách Thái hậu rất thích đi du ngoạn, từng đi qua Ly Sơn du lãm. Mục Tông vì chiều ý Thái hậu, không tiếc tiền tổ chức những buổi ngự lãm xa hoa, mấy tháng mới về cung[14][15][16]. Năm Trường Khánh thứ 2 (822), Quách Thái hậu đến thăm Hoa Thanh cung (華清宮) để tắm suối nước nóng. Đường Mục Tông đích thân đi cùng, nhưng chỉ một ngày sau thì Hoàng đế trở về kinh còn Thái hậu ở lại thêm vài ngày nữa. Bà cũng thường lên Ly Sơn hay chùa Thạch Úng thì Mục Tông sai con trưởng là Cảnh vương Lý Đam dẫn cấm quân theo bảo vệ[2].

Năm Trường Khánh thứ 4 (824), ngày 25 tháng 2, Mục Tông lâm bệnh nặng, hạ chiếu cho Thái tử Lý Đam giám quốc. Các hoạn quan đề nghị Hoàng thái hậu buông rèm nhiếp chính. Thái hậu liền nói:"Xưa kia Võ hậu nhiếp chính suýt nữa đã làm tiêu vong cơ nghiệp. Gia tộc Quách thị nhiều đời trung trinh với đất nước khác với bọn nhà Võ thị. Thái tử còn nhỏ tuổi nhưng có tể thần giúp đỡ thì có gì là không nên. Từ xưa tới nay cũng chưa thấy lúc nào Hậu cung chấp chính mà đất nước được hưng thịnh như đời Nghiêu Thuấn đâu ?"[17]. Thế rồi, Quách Thái hậu xé nát tờ biểu đề nghị mình làm nhiếp chính. Anh trai bà là Quách Chiêu cũng đồng tình với bà.

Tối ngày hôm đó Mục Tông băng hà, Thái tử Lý Đam kế vị, tức là Đường Kính Tông[18].